Khi trí thông minh cảm xúc (EQ) ngày càng được đề cao hơn cả kiến thức chuyên môn trong thời đại mới thì việc cho con trẻ làm quen với các khái niệm cảm xúc xã hội (social and emotional learning) và rèn luyện nếp ứng xử văn minh trở thành nhu cầu thiết yếu, đòi hỏi sự chung tay của cả thầy cô lẫn bố mẹ.

Theo ông Byron Sanders, Chủ tịch & Giám đốc Điều hành Big Thought, một tổ chức tạo ra những người sáng tạo cho thế giới thế kỷ 21, việc thành thạo về cảm xúc xã hội sẽ giúp con trẻ hiểu rõ hơn cảm xúc của mình, phát triển sự đồng cảm, khả năng tự kiểm soát; từ đó xây dựng các mối quan hệ tốt hơn, hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp và nếp ứng xử trong mọi tình huống của cuộc sống. Cũng theo ông Sanders, có 5 cấp độ rèn luyện giao tiếp xã hội cho con trẻ bao gồm tự nhận thức, tự quản lý cảm xúc, nhận biết xã hội, kỹ năng quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm. Ở độ tuổi mầm non, con trẻ cần học cách ứng xử ở ba môi trường quen thuộc gồm gia đình, nhà trường và những nơi công cộng.

Trước tiên là trong phạm vi gia đình. Phụ huynh Á đông thường có xu hướng ưu tiên cho con về mọi thứ, từ đó dễ nhận đến tâm lý ỷ lại và thượng tôn của trẻ. Ba mẹ cần giúp con hiểu rằng con không phải là số một. Như các thành viên khác trong gia đình, con cũng sẽ có trách nhiệm chia sẻ công việc phù hợp với từng độ tuổi. Ở tuổi lên 3 con có thể tự cất đồ chơi, tự đánh răng rửa mặt, tự mặc quần áo với một chút trợ giúp từ bố mẹ. Khi lên 4, con đã có thể tự sắp xếp đồ vật cá nhân của mình, bỏ rác vào thùng rác hoặc nhận thêm một số công việc phù hợp ở cả lớp và ở nhà. Với trẻ lên 5, bố mẹ hãy giao những “trọng trách” lớn hơn như chăm sóc vật nuôi, tưới cây hay sắp xếp bàn ăn…

Ngoài ra, trẻ cũng cần tôn trọng những quy tắc ứng xử của gia đình hay còn gọi là “nếp nhà” từ cách thưa gửi, chào hỏi đến nếp ăn uống, giao tế. Ngay cả trong các gia đình ở Mỹ, nơi quyền tự do của trẻ được đề cao tối đa, các bạn nhỏ vẫn phải nhận được sự gật đầu của bố mẹ nếu muốn bật một kênh truyền hình hay khui thùng một món đồ chơi mới.

Kế đến là trong môi trường trường học, nơi được xem là một cộng đồng, một xã hội thu nhỏ. Nếu cô giáo phải thực hành những nguyên tắc ứng xử như dùng ngôn ngữ chuẩn mực dễ hiểu, yêu thương, bao dung và tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng với mọi trẻ; thì các con cũng phải học cách tôn trọng thầy cô, bạn bè, biết nhường nhịn, chia sẻ và giải quyết tình huống văn minh khi có những xung đột.

Cuối cùng là dạy trẻ ứng xử lịch sự ở nơi công cộng. Đối với những không gian công cộng như công viên, nhà sách, quán xá, nhà ga hay các phương tiện giao thông, việc tôn trọng quy định chung của nơi mình đến cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là phép lịch sự và sự riêng tư cá nhân. Khi con còn nhỏ và chưa có ý thức, ba mẹ cần giảng giải, làm gương và giúp con thực hành nhiều lần cho đến khi thành thục. Trong đó bao gồm cả việc động viên, khen thưởng và có biện pháp xử phạt kịp thời khi con hư. Đừng nghĩ rằng, con còn nhỏ thì có thể vô tư la hét, đùa giỡn hoặc làm phiền người khác. Việc quản lý hành vi của con trẻ nơi công cộng là trách nhiệm hàng đầu của ba mẹ.

Sẽ không bao giờ là quá sớm để khuyến khích và rèn luyện con trẻ trở thành những công dân tí hon văn minh. Little People mong rằng, sự kiên nhẫn và đồng lòng của ba mẹ và thầy cô sẽ sớm thu về những mùa quả ngọt!